Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải tìm thị trường mới hoặc trở lại với khách hàng nội địa
Đó là thực tế được ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, đúc kết với phóng viên Báo Người Lao Động. Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam suốt nhiều năm qua với kim ngạch hàng chục tỉ USD mỗi năm nhưng đang trong giai đoạn khó khăn nhất.
Lần đầu tiên sụt giảm kim ngạch
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan mới đây, trong kỳ nửa cuối tháng 7-2016, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may sụt giảm 43 triệu USD, tương ứng giảm 3,7%, kéo kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của mặt hàng này xuống còn 2,32 tỉ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may chỉ đạt 13,15 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với trước đây. Ngay cả thị trường xuất khẩu vốn được kỳ vọng nhiều và có mức tăng trưởng cao trước đây là Mỹ cũng chỉ đạt 6,52 tỉ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Trong các báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ gần đây liên quan đến ngành dệt may, các doanh nghiệp (DN) cho biết nhà nhập khẩu Mỹ đang muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn hơn là đặt hàng mới. Do đó, dù thị trường Mỹ được kỳ vọng nhiều và đánh giá tốt hơn EU cũng không tránh khỏi việc DN Việt gặp khó về đơn hàng.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may nhưng đến nay chưa có hiệu lực. Trong khi đó, hiệu ứng từ TPP lại gây ra nhiều khó khăn cho DN Việt khi các nước không phải thành viên TPP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa nhằm nâng sức cạnh tranh.
Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu năm 2016 của ngành dệt may đặt ra lên tới 30-31 tỉ USD dường như sẽ rất xa vời. Thậm chí, giới phân tích dự báo năm 2017, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó do thị trường, nhu cầu thế giới sụt giảm.
Một số ý kiến lạc quan cho rằng tháng 7 và 8 hằng năm, ngành dệt may vào mùa thấp điểm nên đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm là không đáng ngại. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, sụt giảm của xuất khẩu dệt may hiện không chỉ mang tính thời vụ mà nhiều DN đang gặp khó do hụt đơn hàng. Đơn hàng suy giảm do nhu cầu của thị trường thế giới yếu, trong đó thị trường EU tiếp tục kém khả quan. Đồng thời, DN Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Lào, Indonesia… Không ít đơn hàng từ Việt Nam bị chuyển sang các nước lân cận.
Đối thủ tăng lợi thế cạnh tranh
Tổng giám đốc một DN dệt may xuất khẩu tại TP HCM nhận định lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam gần đây đã không còn. So với các đối thủ cùng có thế mạnh xuất khẩu dệt may như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka…, lương nhân công Việt Nam cao hơn cộng thêm tỉ giá trong nước quá ổn định, trong khi các nước liên tục phá giá đồng tiền của họ để hỗ trợ xuất khẩu làm cho lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam yếu hơn.
Lúc này, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, lợi thế cạnh tranh mà DN Việt cần đẩy mạnh là kỹ năng, tay nghề của người lao động trong việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao cùng với đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Một chiến lược khác mà DN cần quan tâm là chuyển sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thay vì gia công như hiện nay. Xuất khẩu hàng may mặc dạng FOB giúp DN giao dịch trực tiếp với người mua (không qua trung gian) nên sẽ nắm bắt thị trường nhanh hơn, đơn hàng thường có trước từ nửa năm. Nhờ vậy, khi thiếu hụt đơn hàng, DN có thời gian tìm cách ứng phó.
Để ứng phó với tình hình đơn hàng sụt giảm, ông Phạm Xuân Hồng cho biết gần đây, các DN thuộc Hội Dệt may thêu đan
TP HCM liên tục tham gia hội chợ xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường nhằm tìm kiếm khách hàng mới. Hội cũng khuyến khích DN liên kết để chia sẻ đơn hàng trong điều kiện thiếu hụt như hiện nay. “Đặc biệt, một số DN chỉ chú trọng xuất khẩu nay quyết định trở lại thị trường nội địa nhằm bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt và cầm cự qua giai đoạn khó khăn” – ông Hồng nói.
Mexico khảo sát ngành dệt may Việt Nam
Một đoàn DN thuộc Phòng Công nghiệp dệt may quốc gia Mexico (Canaintex) sẽ có chuyến khảo sát và phân tích lĩnh vực dệt may của Việt Nam từ ngày 22 đến 27-8.
Theo Vietnam+, đoàn doanh nghiệp Mexico dự kiến sẽ thăm 7 nhà máy và một KCN dệt may nhằm phân tích và nghiên cứu quy trình từ sản xuất sợi đến sản phẩm may mặc. Canaintex nhận định khi TPP được thông qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tăng mạnh và mở rộng thị phần của khối TPP, đặc biệt là Mỹ, nhờ các điều khoản về ưu đãi thuế quan song phương. Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may quan trọng thứ 2 đối với thị trường Mỹ, trong khi Mexico xếp thứ 6. – B.T.D
Thái Phương
Nguồn: Người Lao Động
Chưa có nhận xét nào
You can post first response comment.